Vấn đề ô nhiễm môi trường và những hậu quả nặng nề của nó đã tác động rất lớn đến khuynh hướng tiêu dùng của khách hàng và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong những năm gần đây. Liệu phát triển bền vững có còn là xu hướng hay đang dần trở thành điều kiện bắt buộc đối với các doanh nghiệp trong thời gian tới?
Phát triển bền vững là một khái niệm không còn xa lạ với bất kì doanh nghiệp nào đang hoạt động và kinh doanh tại thị trường Việt Nam, bởi đây là một trong những chiến lược phát triển kinh tế được Nhà nước chú trọng từ năm 2011. Tuy nhiên, do nhận thức của người dân về môi trường ở thời điểm đó còn hạn chế và chính sách của Nhà nước đã trở thành những rào cản vô hình khiến các doanh nghiệp tại Việt Nam khó có thể phát triển theo xu hướng này. Chỉ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững vào ngày 25/9/2020, với 17 mục tiêu cụ thể về phát triển bền vững đến năm 2030 thì xu hướng kinh doanh này mới thực sự được nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam áp dụng.
Theo đó, một số nội dung cơ bản về phát triển kinh tế bền vững có thể kể đến như sau: Một là, giảm dần mức tiêu phí năng lượng và các tài nguyên khác thông qua công nghệ tiết kiệm và thay đổi lối sống; Hai là, thay đổi nhu cầu tiêu thụ không gây hại đến đa dạng sinh học và môi trường; Ba là, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn tài nguyên, mức sống, dịch vụ y tế và giáo dục; Bốn là, xóa đói, giảm nghèo tuyệt đối; Năm là, công nghệ sạch và sinh thái hóa công nghiệp (tái chế, tái sử dụng, giảm thải, tái tạo năng lượng đã sử dụng).
Sự quyết liệt đối với mục tiêu phát triển bền vững không chỉ thể hiện qua những chính sách Nhà nước đưa ra mà còn thể hiện thông qua nhu cầu, nguyện vọng trực tiếp từ người tiêu dùng tại thị trường Việt Nam. Theo khảo sát “Who Cares Who Does 2020” của Kantar Việt Nam cho thấy 60% khách hàng quan tâm tới các vấn đề môi trường, 57% người dùng đã không mua sản phẩm vì tác động xấu đến môi trường và xã hội . Có thể thấy, tiêu dùng xanh đang dần trở thành xu hướng của các khách hàng và kinh doanh bền vững là mô hình mà các doanh nghiệp cần phải chú trọng nếu muốn hoạt động kinh doanh ổn định và phát triển lâu dài.
Mục Lục [Ẩn]
Đứng từ góc nhìn của doanh nghiệp
Tổng giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, ông Binu Jacob cho rằng: phát triển bền vững không chỉ là điều nên làm mà là điều chúng ta cần làm nếu có đủ khả năng. Đây cũng là điều chúng ta bắt buộc phải làm nếu muốn thành công, và chúng ta hãy bắt đầu các sớm càng tốt. “Để phát triển bền vững trước hết lãnh đạo doanh nghiệp phải có niềm tin và phải cam kết hành động, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp phải tạo nên giá trị, đem lại sự tốt đẹp cho xã hội”– ông Binu Jacob cho hay.

Một doanh nghiệp không thể phát triển bền vững khi đứng riêng lẻ một mình
Dù phát triển bền vững là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy việc mở rộng kinh doanh và sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp, song một doanh nghiệp không thể phát triển bền vững khi đứng riêng lẻ một mình. Bởi kết nối để phát triển bền vững là đích đến tất yếu, giúp tạo ra một cộng đồng doanh nghiệp bền vững, cộng đồng ấy sẽ thu về lợi nhuận cùng lúc với việc tạo ra tác động tích cực đến xã hội và cộng đồng.
Để có thể tạo ra một cộng đồng phát triển bền vững đòi hỏi phải có sự liên kết chặt chẽ, xuyên suốt trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời nâng cao nhận thức, kiến thức để các doanh nghiệp cùng nhau phát triển bền vững. Vậy giải pháp cụ thể để đảm bảo sự liên kết giữa các doanh nghiệp phát triển bền vững là gì?
“Sự kiện xanh” – giải pháp kết nối các doanh nghiệp phát triển bền vững
Sự kiện xanh là mô hình tổ chức sự kiện kiểu mới trong những năm gần đây, được xây dựng gắn với hoạt động nhằm tăng cường nhận thức và giảm thiểu sự phát sinh rác thải. Nhờ đó, tiết kiệm tối đa các nguồn lực hữu ích có thể tái sử dụng, tái chế và nâng cấp. Sự kiện xanh cũng tạo ra một cộng đồng mà ở đó nhà triển lãm, nhà cung cấp dịch vụ ăn uống, nhà thầu và những người tham gia sự kiện cùng tiên phong chung tay vào một quá trình giảm và tái chế rác thải thông qua các hoạt động sáng tạo, cải tiến và thân thiện với môi trường.
Một ví dụ điển hình của mô hình tổ chức sự kiện kiểu mới này chính là “Hội chợ xanh” được tổ chức vào ngày 27/11/2022. “Hội chợ xanh” là triển lãm thương mại do Layer Clean phối hợp cùng hơn 10 đơn vị cùng thực hiện gồm: Dấu chân xanh, Eco Life, Zero Waste Hanoi,…nhằm thu hút các đối tác tiềm năng quan tâm tới xu hướng kinh doanh bền vững. Địa điểm tổ chức triển lãm là 282 Workshop tại Long Biên, nơi có không gian thoáng đãng, bao phủ bởi cây xanh và những đồ trang trí làm từ vật dụng tái chế.